
Bảo đảm môi trường xanh trong xây dựng nông thôn mới
02/10/2021TN&MTTiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm trong Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới hiện đang được nhiều địa phương quan tâm, bởi đây là một trong những tiêu chí khó đạt nhất. Nếu đạt được tiêu chí này sẽ thay đổi bộ mặt nông thôn và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Ảnh minh họa
Vấn đề “Xanh hóa” nông thôn mới
Theo báo cáo mới đây của Tổng cục Môi trường, công tác đầu tư cho môi trường đã được các địa phương vận dụng sáng tạo và ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù về BVMT, phù hợp với điều kiện thực tế, phát huy được lợi thế của địa phương, nhằm đẩy nhanh tiến trình hoàn thành tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn. Quy định về quản lý làng nghề, trong đó quan trọng nhất là xác định đối tượng quản lý ngành nghề nông thôn đã có những bước thay đổi mang tính chất quyết định. Hiện, Bộ NN&PTNT đã tham mưu cho Chính phủ xác định rõ đối tượng “ngành nghề nông thôn” để tập trung quản lý. Các quy định về BVMT làng nghề và các đối tượng không phải là làng nghề cũng đang dần được tách bạch hơn.
Triển khai thực hiện Tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm (Tiêu chí số 17) nhận thức của các cấp chính quyền và người dân địa phương về BVMT ngày càng nâng cao. Nhiều địa phương đã ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành chuyên biệt và huy động sự tham gia của nhiều bên liên quan vào công tác BVMT, đặc biệt là phát huy vai trò của cộng đồng; chú trọng tuyên truyền, nâng cao nhận thức của xã hội về BVMT. Công tác quản lý nguồn thải được củng cố và tăng cường. Hệ sinh thái đặc thù nông thôn được khôi phục, cải thiện, nâng cao chất lượng, mang lại các giá trị kinh tế và tinh thần không nhỏ cho người dân nông thôn.
Tuy vậy, hoạt động triển khai thực hiện các nội dung của Tiêu chí số 17 thời gian qua vẫn còn những bất cập. Cụ thể, đối với cấp xã, một số chỉ tiêu trong tiêu chí môi trường vẫn mang tính tương đối, định tính, chưa cụ thể về khối lượng dẫn đến việc khó xác định, đánh giá. Một số địa phương đã đẩy mạnh việc thành lập đơn vị thu gom rác thải sinh hoạt, từng bước hạn chế tình trạng vứt rác thải tràn lan. Tuy nhiên, việc thu gom rác ở khu vực nông thôn thường chỉ dừng lại tại điểm trung chuyển, chưa giải quyết được toàn bộ vấn đề thu gom rác. Hơn nữa, phần lớn các địa phương chưa có hoạt động phân loại và tái chế rác.
Theo Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân: Công tác xây dựng cảnh quan, giữ gìn vệ sinh và BVMT cần thực hiện quyết liệt, kiên trì, bền bỉ; cần có tư duy, cách làm hiệu quả đối với việc “xanh hóa nông thôn”, bảo đảm độ thân thiện đối với môi trường. Năm 2020 và định hướng cho giai đoạn đến 2030, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung vào các vấn đề trọng tâm để đạt và duy trì bền vững tiêu chí môi trường trong xây dựng cảnh quan NTM. Các tỉnh, thành phố xem xét, phê duyệt kế hoạch cụ thể trong quản lý chất thải rắn nông thôn, tiếp cận với nguyên lý “kinh tế tuần hoàn” trong tận thu, tái chế, tái sử dụng chất thải.
Các tỉnh, thành phố sớm xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch quản lý theo hình thức tập trung và phi tập trung về nước thải nông thôn, cải tạo kênh mương, cống rãnh, ao hồ; phát huy giá trị sinh thái, điều hòa tiểu khí hậu, xây dựng cảnh quan, hình thành các điểm sinh hoạt công cộng; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ và cư dân nông thôn, nâng cao chất lượng các phong trào thi đua xây dựng NTM; phát huy, nhân rộng các mô hình khu dân cư NTM kiểu mẫu.
Kinh nghiệm của các địa phương
Theo đánh giá của Ban Xây dựng NTM tỉnh Quảng Ninh, để thực hiện tốt Tiêu chí 17, Quảng Ninh đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Ngay từ các xã đều phải chủ động phát huy vai trò của hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, xóm, huy động sự tham gia đóng góp của người dân, doanh nghiệp để từng bước phấn đấu đạt chuẩn các chỉ tiêu về môi trường. Các chi hội, đoàn thể chủ trì các phong trào, hoạt động thi đua giữ gìn đường ngõ xóm sáng, xanh, sạch, đẹp; trồng và chăm sóc tuyến đường hoa, cây xanh; lắp đặt thùng rác công cộng gắn với nền nếp thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải đúng quy định,... Trong chăn nuôi, các hộ gia đình và các chủ trang trại đã lắp đặt, xây dựng hầm biogas hay áp dụng công nghệ xử lý chất thải để sử dụng, góp phần giảm thiểu phần lớn chất thải, rác thải làm suy giảm môi trường. Quảng Ninh cũng tăng cường công tác tuyên truyền, vận động thường xuyên, liên tục tại cơ sở. Nhất là đối với các địa bàn vùng sâu, vùng xa, bà con còn nhiều thói quen, tập quán lạc hậu (chưa có nhà vệ sinh, chuồng trại gần nhà ở, còn giữ nếp sinh hoạt không gọn gàng, vệ sinh,...). Đồng thời, đưa các quy định về BVMT và xây dựng cảnh quan vào các quy ước, hương ước để hình thành nền nếp chung, nghiêm túc cùng thực hiện; phát huy được vai trò giám sát của cộng đồng.
Còn đối với Thanh Hóa, để thực hiện tiêu chí môi trường, tỉnh luôn phối hợp với các đoàn thể triển khai các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân. Các hình thức tuyên truyền được thực hiện thông qua các cuộc họp tổ, nhóm trong khu dân cư, phổ biến trên hệ thống loa truyền thanh của các xã, phường, thôn xóm; làm pano, khẩu hiệu về xây dựng nông thôn mới và bảo vệ môi trường tại các xã. Đồng thời, tổ chức tốt các hoạt động hưởng ứng “Ngày Môi trường thế giới”, “Giờ Trái đất”, “Tuần lễ Nước sạch và vệ sinh môi trường”. “Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn”,...
Thông qua các phong trào, công tác bảo đảm vệ sinh môi trường trong xây dựng NTM đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Trên địa bàn tỉnh hiện có 23 khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh, 14 dự án xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ đốt, với tổng cộng 21 lò đốt. Ngoài ra, tại hầu hết các xã đều đã có bãi tập kết rác thải sinh hoạt để vận chuyển về khu xử lý tập trung. Có trên 88% hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh, gần 97% hộ gia đình được sử dụng nước hợp vệ sinh, tỷ lệ hộ có chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh đạt 53%; tỷ lệ thu gom rác thải khu vực nông thôn đạt 70%. Toàn tỉnh hiện có hơn 80% số xã đạt tiêu chí số 17 về môi trường và an toàn thực phẩm trong xây dựng nông thôn mới. Nhờ có tiêu chí số 17 về môi trường mà cảnh quan nông thôn, chất lượng môi trường ngày càng được đổi mới, nâng cao. Người dân là chủ thể xây dựng nông thôn mới và cũng là người thụ hưởng những thành quả từ nông thôn mới được sống trong môi trường xanh, sạch, đẹp.
Đẩy mạnh thực hiện công tác bảo vê môi trường nông thôn mới
Tại Hội nghị tổng kết việc thực hiện Đề án thí điểm hoàn thiện và nhân rộng mô hình BVMT trong xây dựng NTM tại các xã khó khăn, biên giới, hải đảo theo hướng xã hội hóa, giai đoạn 2017-2020 theo Quyết định 712/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ vừa được Bộ NN-PTNT, Bộ TN&MT phối hợp với UBND tỉnh Sóc Trăng vừa được tổ chức đã xác định một số giải pháp trọng tâm để tăng cường thực hiện công tác BVMT trong xây dựng NTM trong giai đoạn hiện nay là: Đẩy mạnh công tác BVMT nông thôn và thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM gắn với việc triển khai thực hiện Luật BVMT năm 2020. Theo đó, Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với Bộ NN&PTNT rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách về BVMT nông thôn trên cơ sở xây dựng và trình ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, tập trung vào các nội dung chính: Hoàn thiện và nhân rộng các mô hình phân loại chất thải tại nguồn; mở rộng mạng lưới thu gom và hoàn thiện hạ tầng các điểm trung chuyển chất thải bảo đảm quy định về BVMT; thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng các mô hình xử lý chất thải sinh hoạt quy mô tập trung, ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường; hướng dẫn về công nghệ, kỹ thuật xử lý nước thải sinh hoạt tại chỗ.
Bộ NN&PTNT phối hợp với Bộ TN&MT tiếp tục hoàn thiện và nhân rộng các mô hình cung cấp nước sạch theo hệ thống, xử lý chất thải rắn quy mô liên huyện, xử lý nước thải sinh hoạt quy mô hộ, cấp thôn trong cộng đồng dân cư; mô hình thu gom, tái chế, xử lý phụ phẩm nông nghiệp, chất thải chăn nuôi; trong đó, tập trung ưu tiên ở các vùng khó khăn.
Các địa phương, trên cơ sở thực trạng công tác BVMT nông thôn giai đoạn vừa qua, xác định các nội dung trọng tâm cần triển khai thực hiện trong năm năm tới; xây dựng Đề án BVMT của từng địa phương trong xây dựng NTM, nhằm xác định lộ trình và tìm kiếm nguồn lực triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, tăng cường vai trò, trách nhiệm và sự tham gia của doanh nghiệp trong công tác trong công tác BVMT như thu gom, xử lý chất thải rắn và nước thải sinh hoạt, chất thải nông nghiệp, chất thải chăn nuôi,... thông qua các quy định về yêu cầu BVMT và các chính sách ưu đãi, hỗ trợ trong lĩnh vực BVMT.
PHẠM THỊ HÀ
Tổng cục Môi trường